Sức khỏe là gì?

Cùng nhìn nhận lại quan điểm của chúng ta về sức khỏe. Chúng ta có thực sự chắc chắn rằng chúng ta thực sự hiểu bản chất của sức khỏe hay không? Nếu chúng ta không thực sự hiểu về cái mà chúng ta mong muốn và kiếm tìm, chúng ta khó có thể đạt được nó. Chúng ta cũng sẽ dễ dàng đi nhầm đường!

Điều mà loài người tìm kiếm từ xa xưa chính là một cuộc sống khỏe mạnh và sống lâu (trường thọ). Sức khỏe chính là điều mà từ tổ tiên chúng ta cho tới các thế hệ hiện nay và mai sau đều mong muốn.

Sức khỏe có phải đến từ việc ăn uống?

Sức khỏe không những đến từ việc ăn uống mà còn đến từ không khí chúng ta hít thở, từ những thứ tiếp xúc với làn da, từ lối sống (thói quen vận động, ngủ nghỉ), từ chất lượng môi trường xung quanh và từ bên trong chính suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta

Hãy xem xét một số định nghĩa khác nhau về sức khỏe thường được nói đến:

  • Có sức khỏe là không có bệnh tật, không ốm đau?
  • Có sức khỏe là có khả năng lao động nặng hoặc vận động cơ bắp, chân tay? (Dân gian hay nói: “có sức khỏe để làm việc” hoặc “không đủ sức khỏe làm việc nặng”, vân vân)
  • Có sức khỏe là không mắc bệnh nặng (ví dụ như viêm gan, viêm phổi, ung thư, vân vân), còn nếu mắc các bệnh nhẹ như cảm cúm, viêm mũi, viêm họng… vẫn được coi là có sức khỏe tốt?
  • ….

Những định nghĩa nói trên là những định nghĩa khá hạn hẹp và không nói được hết bản chất của sức khỏe.

Mặc dù mỗi quốc gia đều có hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe được chuẩn hóa thành các chỉ số đo lường sức khỏe như các chỉ số về huyết áp, nhịp tim, chiều cao, cân nặng, chỉ số sinh hóa máu, chỉ số về mật độ xương, chỉ số về sức nhìn của mắt … tùy thuộc vào tùy vào độ tuổi, tùy vào giới tính; nhưng những chỉ số này chỉ nói lên được một phần về tình trạng cơ thể của chúng ta. Có rất nhiều vấn đề ảnh hưởng tới sức khỏe mà các chỉ số nói trên không thể mô tả hết được.

Trên thực tế, khái niệm về sức khỏe thường được hiểu một cách “mù mờ”, không rõ ràng. Nếu chúng ta chỉ nhìn nhận sức khỏe ở mặt thể chất đơn thuần như các định nghĩa nêu trên, chúng ta sẽ dễ dàng ngộ nhận rằng chỉ cần ăn uống điều độ là sẽ hoàn toàn khỏe mạnh. Điều này là hoàn toàn sai lầm! Chúng ta nên ăn uống điều độ, nhưng chỉ ăn uống điều độ cũng không quyết định được hoàn toàn sức khỏe.

Về cơ bản, sức khỏe là tổng hòa của SỨC KHỎE THỂ CHẤT, SỨC KHỎE CẢM XÚC (TÂM LÝ) và SỨC KHỎE TINH THẦN.

Không thể có một sức khỏe tràn đầy cùng với năng lượng tích cực nếu một trong các yếu tố: thể chất, tâm lý và tinh thần có vấn đề. Sức khỏe phụ thuộc vào cái chúng ta ăn, cái chúng ta uống, cái chúng ta hít thở hằng ngày, cái chúng ta bôi vào da/ thẩm thấu qua dachất lượng của môi trường tự nhiên xung quanh, cách chúng ta ngủ nghỉ và vận động thể chất (lối sống, nhịp sinh hoạt), cái chúng ta suy nghĩ và cái chúng ta cảm nhận. Đây là những yếu tố khiến cho chúng ta, hoặc là đau ốm và yếu đuối, hoặc là khỏe mạnh và tràn đầy sức sống.  Ngoài ăn uống, cách chúng ta tương tác với môi trường sống, với con người xung quanh đều rất quan trọng. Bạn hãy luôn nhớ rằng, cảm xúc và suy nghĩ – những thứ vốn được cho là thuộc về mặt tinh thần – đều ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe. Cuộc sống luôn các tác nhân tốt và xấu, giống như có các hạt mang điện âm và dương, có đêm và ngày, có những ngày nắng đẹp và những ngày trời xấu, nhưng bạn hãy tìm kiếm và duy trì những cảm xúc tích cực, những suy nghĩ tích cực. Hãy luôn tận hưởng những giây phút của hiện tại. Hãy nhìn nhận sức khỏe thật sâu hơn nữa, hãy “nhìn vào bên trong” chính con người bạn, “nhìn vào” tâm hồn của bạn sâu hơn nữa, bạn sẽ tìm thấy câu trả lời về những nguồn năng lượng tích cực giúp bạn có một cuộc sống vui tươi, khỏe mạnh về cả thể chất và tinh thần.

Có sức khỏe có phải là không bao giờ bị ốm? Câu trả lời: Cơ thể chúng ta “cần” được ốm

Cần phân biệt các triệu chứng của bệnh và các nguyên nhân gốc gây ra bệnh tật. Các triệu chứng thực ra không đáng sợ. Cái đáng sợ chính là nguyên nhân gốc gây ra bệnh tật

Chúng ta thường hiểu nhầm rằng khỏe mạnh nghĩa là không bị ốm. Chính việc hiểu sai bản chất của sức khỏe và bệnh tật nên chúng ta thường gặp nhiều sai lầm trong việc tìm cách chữa trị bệnh tật.

Tạo hóa sinh ra con người và thế giới tự nhiên – chính là môi trường chúng ta sinh sống. Chúng ta sinh sống trong môi trường tự nhiên, không phải sinh sống trong lồng kính. Trong môi trường bình thường luôn có những tác nhân tốt và những tác nhân xấu ảnh hưởng tới sức khỏe. Một cơ thể bình thường thỉnh thoảng “cần” được ốm (hoặc “bị” ốm). Đây là điều hết sức bình thường, và cũng là quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, nếu thường xuyên ốm vặt hoặc bị bệnh nặng, chúng ta không thể được coi là khỏe mạnh và chúng ta cần đặt câu hỏi tại sao.

Vì sao cơ thể “cần” được ốm? Bệnh tật, ốm đau, về bản chất là cách thức mà cơ thể tự tìm giải pháp để thích nghi với các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài và tìm cách xử lý. Các căn bệnh, các triệu chứng ốm đau chính là cơ chế tự vệ của cơ thể. Bệnh tật và các triệu chứng của nó được hình thành khi cơ thể phản ứng chống lại các tác nhân xấu gây bệnh để bảo vệ chúng ta. Các triệu chứng bệnh như sốt, ho hắng, nổi u, có hạch hoặc mẩn ngứa… chính là những tín hiệu mà cơ thể đưa ra cảnh báo cho chúng ta biết chúng ta đang sai ở đâu đó trong cuộc sống hằng ngày. Muốn khỏe mạnh, chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân gốc gây ra tình trạng bệnh tật, ốm đau cho cơ thể và giải quyết từ gốc, thay vì chúng ta lo lắng và tập trung vào việc nhanh chóng tìm cách “chiến đấu” chống lại các triệu chứng đó. Chúng ta cần tỉnh táo: các triệu chứng bệnh không đáng sợ bằng chính nguyên nhân gốc gây ra bệnh. Các triệu chứng bệnh, nhìn theo góc nhìn tích cực, là một điều tốt. Chúng chính là những tín hiệu cảnh báo cho chúng ta biết chúng ta cần quan tâm sâu sắc hơn tới sức khỏe của chính mình. Hãy tưởng tượng bạn bật lò nướng bánh và quên không hẹn giờ hoặc không tắt lò. Bánh bị cháy khét và khói mù mịt. Cảm biến báo cháy trên trần nhà sẽ hoạt động và chuông báo cháy sẽ kêu. Việc chúng ta cần làm ngay là tìm cách tắt cái lò nướng đang cháy hoặc ngắt nguồn điện để lò không gây cháy thêm được nữa, chứ không phải là chúng ta tìm cách tắt chuông báo cháy đi. Các triệu chứng ốm giống như cái chuông báo cháy. Khi đám cháy được dập tắt, khi nguồn gây cháy được khống chế, chúng ta không cần làm gì với cái chuông báo cháy cả thì cái chuông sẽ không còn kêu nữa. Khi hiểu được vì sao chúng ta bị ốm, bị bệnh và chúng ta điều trị từ cái gốc, các triệu chứng sẽ tự biến mất nhờ cơ chế vận hành, thải độc và bài tiết của chính cơ thể.

Có thể ngày hôm nay chúng ta không ốm, cũng không có nghĩa là chúng ta chắc chắn an toàn hay chúng ta thực sự khỏe mạnh. Sức khỏe hay bệnh tật không bao giờ tới chỉ sau một đêm. Sức khỏe hoặc bệnh tật là kết quả của một quá trình dài. Vào buổi sáng chúng ta nhận được kết quả xét nghiệm và thông báo từ bác sĩ rằng chúng ta bị bệnh viêm gan. Điều này có nghĩa là căn bệnh viêm gan đã hình thành từ trước đó hàng tháng, hàng năm, chứ không phải chúng ta vừa mới mắc bệnh vào đêm hôm trước.

Nhưng nếu ngày hôm nay chúng ta ốm cũng không có nghĩa là một điều gì quá tồi tệ. Chúng ta thường sợ ốm hoặc sợ hãi với các căn bệnh nặng vì chúng ta không hiểu bản chất của nó là gì và chúng ta không hiểu cơ thể đang cố gắng muốn nói điều gì với chúng ta. Khi ốm, chúng ta cần bình tĩnh và nhìn nhận lại cách chúng ta đã đối xử với cơ thể: từ cách chúng ta ăn uống, ngủ nghỉ, hít thở, từ những vấn đề về tâm lý, tình cảm trong cuộc sống hằng ngày, về môi trường sống xung quanh chúng ta, về không khí, nguồn nước chúng ta tiếp xúc hằng ngày và môi trường xã hội nơi chúng ta sống.

Bạn mới chính là người bác sĩ tốt nhất của chính mình nếu bạn thực sự lắng nghe và hiểu cơ thể mình. Chỉ có bạn mới có thể cảm nhận rõ ràng nhất về cơ thể của chính mình. Do đó, nếu bạn có kiến thức cơ bản về dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe, bạn sẽ tránh được việc lo lắng thái quá và hoang mang trước bệnh tật, đồng thời có thể tỉnh táo để đánh giá những triệu chứng bất thường của cơ thể, biết cách xử trí đúng đắn từ sớm, biết chăm sóc sức khỏe tại nhà cho chính mình và gia đình.

Sức khỏe của chúng ta có thực sự phụ thuộc vào thời tiết?

Sức khỏe của chúng ta có phụ thuộc vào thời tiết trong những điều kiện nhất định, nhưng sức khỏe về cơ bản không phải do thời tiết quyết định! Sức khỏe được đo bằng khả năng thích nghi với điều kiện tự nhiên và môi trường sống. Khi chúng ta càng dễ dàng thích nghi được với điều kiện môi trường, thời tiết bên ngoài như nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió… thì chúng ta mới thực sự có một sức khỏe tràn đầy và bền vững.

Hiểu về cách thức cơ thể vận hành và cách thức cơ thể thích nghi với môi trường tự nhiên bên ngoài, chúng ta sẽ làm chủ được sức khỏe thay vì để cho sức khỏe phụ thuộc vào thời tiết như quan điểm sai lầm thường gặp. Cơ thể là một bộ máy phức tạp và kì diệu được tạo hóa sinh ra. Cơ thể có khả năng thích nghi với những điều kiện môi trường khác nhau. Ở những vùng khí hậu lạnh giá (các nước Bắc Âu hoặc vùng xứ lạnh Siberia), những vùng đất khô cằn nắng nóng (các nước châu Phi hoặc các nước có khí hậu nhiệt đới có mùa hè nắng nóng), hay những vùng núi cao mà lượng ôxy thấp hơn ở đồng bằng, chúng ta vẫn thấy luôn có những người sinh sống khỏe mạnh. Cơ thể có cơ chế điều hòa thân nhiệt để thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ ở bên ngoài. Vào mùa đông khi trời lạnh, cơ thể tỏa nhiệt để giữ ấm. Vào mùa hè, cơ thể tản nhiệt để làm mát. Đây là cơ chế tự nhiên của cơ thể mà ai cũng có từ khi sinh ra. Chúng ta cần mặc ấm vào mùa đông để duy trì nhiệt độ, để tránh bị lạnh. Chúng ta cần mặc thoáng mát vào mùa hè để cơ thể dễ chịu, nhưng ở mức độ lệ thuộc quá nhiều vào quần áo và thiết bị, chính chúng ta sẽ khiến cơ chế này suy yếu đi.

Trong điều kiện khí hậu bình thường không quá khắc nghiệt, như điều kiện khí hậu của Việt Nam (mùa đông không quá lạnh, mùa hè hiện nay có vài đợt nắng nóng cực đoan nhưng về cơ bản khí hậu tương đối thuận lợi), việc mặc quá ấm và lạm dụng các thiết bị sưởi ấm vào mùa đông và lạm dụng các thiết bị như quạt làm mát, điều hòa nhiệt độ vào mùa hè sẽ làm cơ chế tự điều hòa thân nhiệt của cơ thể sẽ kém dần đi. Ví dụ: mặc quá nhiều lớp quần áo ấm và để nhiệt độ sưởi rất cao vào mùa đông hoặc để điều hòa nhiệt độ ở mức nhiệt rất thấp vào mùa hè, gây ra sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa môi trường tự nhiên và môi trường trong nhà. Về lâu dài, khi cơ chế điều hòa thân nhiệt của cơ thể kém đi, sự thích nghi của cơ thể với môi trường sống cũng ngày một kém dần. Sức đề kháng của cơ thể sẽ kém đi. Sức khỏe, vì vậy, sẽ giảm sút theo thời gian. Đây là lý do khiến nhiều người hiểu nhầm rằng sức khỏe của chúng ta phụ thuộc vào thời tiết và sức khỏe của chúng ta sẽ kém dần đi theo tuổi già.

Gen hay yếu tố di truyền có ảnh hưởng tới sức khỏe, nhưng chúng ta hoàn toàn có khả năng cải thiện sức khỏe để thích nghi với điều kiện tự nhiên bên ngoài. Dù tới từ những nền văn hóa khác nhau, có màu da màu tóc màu mắt khác nhau… nhưng cơ thể của chúng ta đều có chung một nguyên lý hoạt động và bất kì ai cũng có khả năng thích nghi với môi trường xung quanh ngay từ khi sinh ra, dù ở vùng ôn đới xứ lạnh hay vùng nhiệt đới nóng ẩm. Tùy thuộc vào cách thức chúng ta tập luyện và thích nghi với môi trường bên ngoài, khả năng này hoặc là sẽ được tăng cường, mở rộng, hoặc là sẽ kém dần đi.

Những người Bắc Âu sinh sống ở nơi mà mùa đông và băng tuyết kéo dài tới nửa năm. Nhiệt độ ngoài trời vào mùa đông có thể xuống tới ngưỡng -20 độ C hoặc -30 độ C. Để tồn tại và thích nghi được với điều kiện mùa đông khắc nghiệt, những người Bắc Âu từ nhỏ tới lớn vẫn phải làm việc và tập luyện ở ngoài trời khá nhiều. Họ cũng có những cách thức riêng để rèn luyện mở rộng khả năng chịu nhiệt của cơ thể. Họ có thể đi lại ngoài trời tuyết không cần dùng găng tay hoặc không cần mặc quá nhiều lớp quần áo mà vẫn khỏe mạnh và không bị ốm. Tuy nhiên nếu những thế hệ tiếp theo ngừng hoặc ít vận động và tập luyện ngoài trời, thường xuyên ở trong nhà và lạm dụng hệ thống sưởi hiện đại, chắc chắn khả năng chịu đựng thời tiết lạnh sẽ kém đi. Có nhiều vận động viên điền kinh nổi tiếng thế giới đến từ những nước châu Phi có khí hậu nóng như Jamaica, Kenya. Không chỉ có vận động viên thi đấu thể thao đỉnh cao, có nhiều người dân ở đây chịu đựng được thời tiết nắng nóng, mà vẫn khỏe mạnh bởi vì họ đã rèn luyện khả năng thích nghi của cơ thể từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, có rất nhiều người gốc Phi di cư sang các nước có khí hậu lạnh hơn, từ nhỏ ít tiếp xúc với thời tiết nắng nóng hoặc lạm dụng điều hòa nhiệt độ vào mùa hè, thì khả năng chịu được thời tiết nắng nóng của họ kém hơn và họ cũng dễ dàng bị ốm, dễ mắc các bệnh vốn được cho là do nguyên nhân “thời tiết”. Có rất nhiều trẻ em Việt Nam theo bố mẹ từ Việt Nam di cư ra nước ngoài – những nơi có khí hậu lạnh, hoàn toàn khác biệt với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, gió mùa của Việt Nam. Tuy nhiên các em vẫn thích nghi tốt và lớn lên khỏe mạnh ở xứ lạnh nếu được chăm sóc đúng đắn. Trên thực tế, còn vô vàn ví dụ để chúng ta tin tưởng được rằng: việc cải thiện sức khỏe, thích nghi với điều kiện thời tiết bên ngoài phụ thuộc nhiều vào cách thức rèn luyện và chăm sóc sức khỏe; đây không phải là vấn đề được quyết định hoàn toàn do gen di truyền.

Chú ý rằng khái niệm thời tiết và môi trường ở đây là nói trong phạm vi nơi chúng ta sinh sống. Bài viết không đề cập tới việc rèn luyện sức khỏe trong những điều kiện thời tiết cực đoan hoặc những vùng khí hậu cực đoan (ví dụ: ở Nam Cực, Bắc Cực khí hậu quá lạnh; hoặc trên sa mạc khô cần quá nóng, ở những ngọn núi cao mà lượng ôxy quá thấp để thở, vân vân). Với những điều kiện khí hậu quá khắc nghiệt, khoa học vẫn còn cần nghiên cứu thêm trước khi đưa những kết luận về khả năng thích nghi của con người. Tuy nhiên, cơ thể của chúng ta còn ẩn chứa rất nhiều khả năng phi thường mà thế giới vẫn đang khám phá mỗi ngày.

 

Sự hiểu biết và quan điểm về sức khỏe sẽ quyết định sức khỏe của chúng ta ở mức độ nào.

Có rất nhiều quan điểm khác nhau về sức khỏe. Tuy nhiên, quan điểm của chúng ta về sức khỏe là cực kì quan trọng. Nếu chúng ta có quan điểm đúng đắn về sức khỏe, chúng ta sẽ có mục tiêu phấn đấu và cải thiện sức khỏe tốt hơn. Ngược lại, nếu chúng ta có quan điểm sai lầm về sức khỏe, chúng ta sẽ bỏ qua những cơ hội quý giá để cải thiện sức khỏe. Vô hình chung, đôi khi, chúng ta tự làm cho sức khỏe của chúng ta kém đi do những hiểu nhầm đáng tiếc hoặc sự hiểu biết hạn chế về sức khỏe. Quan điểm sai lầm thường gặp nhất là khi chúng ta cho rằng: vào những ngày hè nóng nực, vào những ngày mùa đông trời lạnh sâu, hoặc khi thời tiết chuyển mùa, chuyện bị cảm lạnh, cảm cúm, bị ốm là bình thường. Quan điểm sai lầm này khiến chúng ta mặc nhiên chấp nhận một “tiêu chuẩn” rất thấp về sức khỏe mà chúng ta quên mất rằng cơ thể của chúng ta hoàn toàn có khả năng thích nghi với sự thay đổi của thời tiết, và việc chúng ta cần rèn luyện để mở rộng khả năng thích nghi này là hoàn toàn trong tầm tay. Chính vì hạ thấp tiêu chuẩn về sức khỏe nên chúng ta sẽ không thấy được sự cần thiết của việc rèn luyện cho cơ thể mở rộng vùng thoải mái của nó và tầm quan trọng của việc này tới sức khỏe.

Bạn hãy chú ý rằng, ở mức độ mà cơ thể thích nghi được với sự thay đổi của thời tiết ở nơi bạn sinh sống, việc bạn không bị ốm khi trời chuyển mùa hoặc lúc trời nóng hơn một chút, lạnh hơn một chút, đó là ngưỡng SỨC KHỎE BÌNH THƯỜNG. Nhiều người trong số chúng ta hiện đang ở dưới ngưỡng sức khỏe bình thường nhưng lại không nhận thức được điều này. Dù là trẻ em, người trưởng thành, hay người già, chúng ta đều có khả năng thích nghi với thời tiết tùy thuộc vào việc rèn luyện sức khỏe như thế nào mà thôi. Cũng cần chú ý rằng: khỏe mạnh không có nghĩa là không bao giờ bị ốmTuy nhiên, nếu mắc các bệnh mãn tính, hoặc luôn bị ốm khi thời tiết bên ngoài thay đổi, điều đó có nghĩa rằng chúng ta không thực sự khỏe mạnh. Cơ thể đôi khi ốm là bình thường. Nhưng cơ thể thường xuyên ốm (dù là “ốm vặt”, “ốm do thời tiết”) thì đó là một cơ thể không thực sự khỏe mạnh.

Có nhiều người đánh đồng quá trình sinh trưởng – lão hóa với sức khỏe. Sự lão hóa theo thời gian chắc chắn là có nhưng dù ở độ tuổi nào, dù già hay trẻ, chúng ta vẫn hoàn toàn có khả năng duy trì một cơ thể dẻo dai, sức khỏe dồi dào, trần đầy sức sống. Nếu chúng ta có quan điểm sai lầm về sức khỏe như trên, chúng ta sẽ dễ dàng đặt ra những “tiêu chuẩn”, những “mục tiêu” về sức khỏe thấp hơn mức độ sức khỏe mà đáng ra chúng ta có thể đạt được. Trên thực tế, có những người phụ nữ trung niên bước qua độ tuổi 50 vẫn có ngoại hình rất trẻ trung và sức khỏe dẻo dai, thậm chí là có sức khỏe tốt hơn những người phụ nữ ở tuổi 30. Cũng có những người đàn ông ở độ tuổi ngoài 50 vẫn có thể chơi thể thao, đạp xe khỏe khoắn và nhanh nhẹn hơn những thanh niên ở độ tuổi 30. Điều này là kết quả của một quá trình dài cơ thể được rèn luyện qua việc ăn uống, qua lối sống, qua cách tư duy và kiểm soát cảm xúc kết hợp với điều kiện tự nhiên và môi trường sống xung quanh.

Nếu cho rằng sức khỏe phụ thuộc vào thời tiết, hiển nhiên chúng ta sẽ càng ngày càng phụ thuộc vào thời tiết, và khó có thể kiếm tìm được một sức khỏe đích thực từ bên trong và sự hòa hợp với môi trường tự nhiên bên ngoài. Quan niệm này còn khiến chúng ta e ngại khi bước ra bên ngoài mỗi khi thời tiết thay đổi hoặc mỗi khi thời tiết nằm ngoài vùng dễ chịu mà cơ thể đang quen thuộc. Chúng ta e ngại vì sợ bị ốm. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu: nếu cơ thể không được rèn luyện qua một quá trình thích nghi, cơ thể sẽ không đủ sức chịu đựng được ngưỡng nhiệt độ bên ngoài nằm ngoài vùng thoải mái (comfort zone) của nó, và chúng ta sẽ dễ bị ốm. Tuy nhiên nếu luôn e ngại và không cố gắng tập luyện dần dần để mở rộng vùng thoải mái của chính mình, chúng ta sẽ khó có thể khỏe mạnh thực sự. Giải pháp cho vấn đề này quan tâm tìm hiểu nhiều hơn về sức khỏe, hiểu về chính cơ thể của chúng ta và vùng thoải mái hiện tại mà cơ thể của chúng ta đang có. Dựa trên sự hiểu biết đúng đắn, chúng ta sẽ có cách thức tập luyện khoa học và hiệu quả.

Sức khỏe là một hành trình. Sức khỏe hoặc bệnh tật là những thứ không tới chỉ sau một đêm. Khi chúng ta không mắc bệnh nghiêm trọng hoặc không bị sốt, không bị ho… không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn khỏe mạnh. Bởi các triệu chứng bệnh chỉ có biểu hiện rõ ràng khi lượng chất độc tồn tại trong cơ thể lâu ngày tới một lượng đủ lớn – lượng thay đổi thì chất thay đổi. Do đó, việc tìm hiểu và rèn luyện sức khỏe là việc nên làm hằng ngày. Nếu quá lo lắng về sức khỏe mà thiếu hiểu biết, sức khỏe tinh thần của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng. Điều này không tốt cho sức khỏe nói chung. Nhưng nếu quá chủ quan và bỏ quên sự học hỏi, sự rèn luyện, chúng ta cũng sẽ dễ dàng đánh mất sức khỏe của chính mình.

Con người luôn gắn kết với thế giới tự nhiên trong một mối quan hệ hai chiều sâu sắc. Môi trường tự nhiên ảnh hưởng lớn tới sức khỏe.

Mối tương quan giữa con người và tự nhiên là một mối quan hệ cực kì chặt chẽ và có hai chiều. Môi trường sống đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sức khỏe. Con người từ khi sinh ra, cũng giống như những loài thực vật, động vật tồn tại trên trái đất này, vốn là một phần không thể tách rời khỏi của một tổng thể thế giới tự nhiên. Nếu nhìn nhận sức khỏe là một điều gì đó chỉ đến từ bên trong con người mà tách bản thân mình ra khỏi thế giới tự nhiên bên ngoài hoặc quên mất vai trò của môi trường tự nhiên và môi trường sống xung quanh, chúng ta sẽ khó lòng có được một sức khỏe tràn đầy cùng một tinh thần khỏe khoắn được. Ngoài thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày, cơ thể chúng ta còn hấp thu năng lượng từ mặt trời, từ không khí, từ những nguồn sóng năng lượng tích cực đến từ thiên nhiên và con người xung quanh chúng ta. Trân trọng tự nhiên, chọn một thái độ tích cực để tương tác với thiên nhiên, với con người và với xã hội xung quanh cũng là một phần của hành trình tìm kiếm sức khỏe đích thực.

 

2 bình luận về “Sức khỏe là gì?

  1. Ananphrodite030 cho biết:

    Quá tuyệt vời. Bài viết cung cấp bức tranh toàn cảnh về sức khỏe. Biết ơn ekip Trong Khu Vườn rất nhiều!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *