Nước Kiềm

Cùng môn hóa học, thầy này dậy bạn axit là thế này, cô giáo khác dậy bạn axit là thế khác. Chẳng qua họ theo định nghĩa hẹp hay rộng về axit – kiềm. Ở Việt Nam có lẽ phần lớn mọi người từ thế hệ mình đổ về trước, ai đi học phổ thông cũng được dậy nước là trung tính, độ pH = 7
Kì thực, ở tây thì hơi khác. Có thầy dậy nước trung tính. Người khác nói nước có tính axit nhẹ, tức là độ pH nhỏ hơn 7 tí xíu.

 


Và không biết có phải vì vin vào điều này, người ta sản xuất máy tạo nước kiềm vì người ta cứ mặc định nước có tính axit nhẹ chút xíu là nước không lành mạnh? Rồi người ta còn bóp méo luôn cả các khái niệm cơ bản của khoa học thải độc khi định nghĩa về chuyện axit – kiềm của thực phẩm, của cơ thể để bảo rằng phải uống nước có tính kiềm mới là nước chất lượng tốt?
Mình đã vài lần nói về chuyện này. Hôm nay mình chỉ nhắc lại chút xíu
1. Khi bạn hô biến để nước có tính kiềm, độ pH lớn hơn 7, bạn đừng nên gọi đó là nước nữa. Hãy gọi đấy là dung dịch kiềm. Khi bạn làm gì đó thay đổi tính chất hóa học của 1 chất, chất ấy biến thành thứ khác rồi. Bản chất đã thay đổi thì bạn hãy gọi nó bằng cái tên khác.
2. Không phải các bạn cứ uống loại “nước kiềm” từ các máy lọc nước tạo kiềm mà cơ thể được kiềm hóa đâu ạ.
Kiềm hóa cơ thể là cả 1 quá trình các bạn giúp cơ thể khỏe khoắn lên nhờ một giải pháp dinh dưỡng toàn diện. Nói riêng chuyện ăn uống thì kiềm hóa ở đây cụ thể là kết quả của các quá trình sinh hóa diễn ra trong cơ thể sau khi cơ thể HẤP THỤ dinh dưỡng, tức là sau quá trình tiêu hóa. Chứ không phải các bạn cứ ăn uống cái thực phẩm gì có tính kiềm có độ pH lớn hơn 7 là các bạn đang kiềm hóa cơ thể. Hoàn toàn không phải vậy.
3. Bây giờ mình xem xét thử chuyện uống nước dưới góc nhìn khác nhé.
Các bạn thử nhắm mắt lại, tưởng tượng rằng đường tiêu hóa – đường ruột của các bạn được trải thẳng tắp ra. Nó sẽ không khác gì cái đường ống dài cả. Các bạn sẽ thấy 2 điểm đầu cuối của cái đường ống này là miệng và hậu môn, tương ứng với ĐẦU VÀO và ĐẦU RA. Cái đường ống này chỉ kín khi bạn khép miệng và khép hậu môn lại. Còn đường ống này là đường ống hở nếu miệng và hậu môn không khép lại. Vậy thì về mặt hình khối, rõ ràng toàn bộ phần còn lại của cơ thể các bạn sẽ chỉ bao quanh cái đường ống ấy. Nói cách khác, cơ thể bạn như cái thành giếng chẳng hạn, còn đường tiêu hóa – đường ruột như cái lòng giếng. Chuyện bạn nói 1 vật thể 1 chất nào đó nằm bên trong hay bên ngoài cơ thể nhiều khi không như cách bạn vốn nghĩ đâu. Bạn ăn 1 quả táo và đang nhai nó nuốt nó, nó chưa hề thực sự đi vào cơ thể bạn đâu dù rõ ràng nó đang đi vào đường tiêu hóa của bạn rồi. Bạn uống 1 cốc nước vào cũng vậy.
Trong số tất cả những gì các bạn ăn vào uống vào, những thứ chưa được tiêu hóa hay không được tiêu hóa hay không được hấp thụ mà bị thải ra khỏi đường ống ấy, nói chung tất cả những thứ nằm trong cái đường ống ấy không được hấp thụ qua thành ruột, thực chất có thể coi là chúng vẫn nằm ngoài cơ thể, chưa thực sự nằm bên trong cơ thể.
Như vậy trong chuyện các bạn uống 1 cốc “nước kiềm” từ các máy lọc nước tạo kiềm đang bán hiện nay, không phải bạn cứ uống xong là cái nước kiềm ấy đi ngay vào cơ thể bạn để mà trung hòa axit như cách hiểu rất đỗi ngây thơ của nhiều khách hàng. Thực chất thì cái cốc nước ấy vẫn phải đi qua đầy đủ các quá trình TIÊU HÓA – HẤP THỤ – TỔNG HỢP – BÀI TIẾT như các loại thức ăn khác các bạn ăn vào mà thôi. Chuyện kiềm hóa cơ thể là chuyện các loại đồ ăn đồ uống chúng tạo ra “tro” kiềm hay “tro” axit sau quá trình tiêu hóa, hay nôm na là sau khi chúng ngấm qua cái “thành giếng” như hình tượng mình mô tả tạm ở trên; chứ không phải chuyện bạn cầm giấy quỳ tím hay máy nào đó test độ pH của chúng trước khi ăn uống vào mà kết luận ngay được.
Cho nên đừng bạn nào nói muốn kiềm hóa cơ thể thì uống nước kiềm nhé. Nhà sản xuất muốn bán hàng có thể họ nói vậy. Còn các bạn là khách hàng thì nên tỉnh táo. Các bạn uống nước kiềm mà có cảm nhận tốt về nó, thì lý do có thể là nước từ máy lọc có chất lượng tốt hơn nước máy thông thường về độ tinh khiết thôi. Nguồn nước hiện tại các bạn dùng trong các gia đình ngày nay ở phố xá đô thị hầu hết không thể gọi là nước sạch được. Nước sạch trước hết phải là nước không dính tạp chất không bị bơm thêm Clo, Flo ạ. Hãy phân biệt rõ lợi ích cụ thể của máy lọc nước, đừng đánh đồng chuyện axit – kiềm gì ở đây.
4. Có người gọi nước là dung môi vũ trụ. Vì nước vốn là dung môi cho rất nhiều phản ứng hóa học trong tự nhiên, trong sản xuất công nghiệp được diễn ra. Về mặt logic, khi các bạn thay đổi độ pH của nước, biến nó từ loại chất lỏng có tính axit nhẹ thành loại chất lỏng có tính kiềm nhẹ, đương nhiên phản ứng hóa học sẽ thay đổi, tạo ra kết quả khác. Điều này có ý nghĩa gì? Có ý nghĩa là bản thân các loại nước kiềm các bạn uống thường xuyên liên tục vào, nó chắc chắn ảnh hưởng ít nhiều tới sức khỏe và tạo ra sự thay đổi cho các quá trình sinh hóa nhất định. Về chuyện này, lợi hay hại mình không kết luận gì. Vì mình đặt vấn đề trên cơ sở tư duy logic. Muốn nói nước kiềm có hại có lợi cụ thể ra sao, cần thực nghiệm cần thực tế trả lời. Mình chỉ hi vọng các bạn đừng ảo tưởng quá về loại nước thần thánh giúp bạn khỏe lên.
5. Lọc nước là chuyện đương nhiên nên làm trong xã hội hiện đại bây giờ. Nhưng biến nước bình thường thành nước kiềm thì mình không chọn. Vì đơn giản là mình không thấy lý do nào xác đáng để chọn uống nước kiềm cả. Mình vẫn chỉ thích uống nước tự nhiên ở sông suối trên núi ở những nơi trong lành không ô nhiễm – loại nước khoáng tự nhiên ăn đứt tất cả các loại nước kiềm, nước đóng chai, nước máy hiện nay. Và tất nhiên nếu có đem test độ pH của loại nước tinh khiết tự nhiên ấy, có thể chúng hơi axit một chút đấy (biết đâu chúng không trung tính). Nhưng đó mới là loại nước lành mạnh nhất mà đáng ra xã hội con người cần có. Chẳng qua vì chuyện hiện đại hóa, nô lệ hóa con người mà nước sạch tinh khiết tự nhiên giờ đây bỗng thành thứ xa xỉ.
Hi vọng bài viết này có thể giúp các bạn có thêm góc nhìn khác nào đó mà tham khảo lựa chọn dùng sản phẩm gia dụng hay chọn đồ ăn đồ uống cho hợp lý.

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'Axit (pH <7) (cho đi proton) TrongKhuVườn proton Kiềm (pH 7) (nhận proton) ion H+ (proton) Độ pH axit mạnh yếu pH=-log(H+] dụ: pH4 trung tinh kiềm yếu kiệm mạnh pH5 thể hiện khác nhau của nồng (tinh axit/kiềm) 10 Earn Online Ad giangtran.net/Free_.. LEARN MORE Axit- Kiềm, Nguyên nhân gốc của bệnh tật, Giải pháp kiềm hóa và ăn thô 713K views 1y ago #axitvakiem #kiemhoa #nguongoccuabenhtat 19K Dislike Share Tregtva Download Clip Trong Khu Vuon 51.5K subscribers Sa SUBSCRIBE'

1 bình luận về “Nước Kiềm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *