Chúng ta có thực sự hiểu về dinh dưỡng? Cơ thể của chúng ta có năng lượng để sống nhờ vào dinh dưỡng. Dinh dưỡng chính là chìa khóa của sức khỏe.
Cùng với khái niệm sức khỏe, khái niệm về dinh dưỡng thường bị hiểu sai một cách đáng tiếc, dẫn tới một lối sống và cách ăn uống rất có hại cho sức khỏe. Vậy thực chất, dinh dưỡng là gì?
Trước hết chúng ta cùng so sánh hai khái niệm trong tiếng Pháp sau đây: aliment (thực phẩm) và nourriture (dinh dưỡng). Đây là hai khái niệm khác nhau. Hai từ này không phải là hai từ đồng nghĩa.
Aliment – Thực phẩm là những thứ chúng ta có thể ăn được nhưng có thể không phải là cái mà cơ thể chúng ta cần. Khi nói tới thực phẩm, là chúng ta nói về việc ăn uống. Chúng ta tiêu thụ thực phẩm qua con đường ăn uống. Đây là một khái niệm dễ hiểu
Nourriture – Dinh dưỡng là những thứ cung cấp cho chúng ta năng lượng để sống và tư duy, là những thứ mà các tế bào bên trong cơ thể chúng ta có thể hấp thụ được. Khái niệm “dinh dưỡng” (nourriture) rộng hơn khái niệm “thực phẩm” (aliment) hay “việc ăn uống” (alimentation) rất nhiều. Chúng ta cần phân biệt giữa “dinh dưỡng” và “thực phẩm”, hay cũng chính là sự khác biệt giữa “dinh dưỡng” và “việc ăn uống”
- Những thứ chúng ta ăn uống vào không đồng nghĩa với những thứ nuôi sống cơ thể chúng ta. Chúng ta thường nhầm lẫn những gì có thể ăn được là những gì cơ thể cần, nhưng không phải như vậy. Nếu ăn đúng những thứ cơ thể cần, thức ăn chúng ta ăn vào có thể được coi là dinh dưỡng. Nhưng nếu chúng ta ăn những thứ mà cơ thể không cần, thức ăn chúng ta ăn vào không được coi là dinh dưỡng. Người Việt Nam thường nhận xét về thực phẩm “món này chẳng có “chất” gì cả”, hoặc “món này nhiều “chất” lắm đấy” – “chất” ở đây được hiểu là chất dinh dưỡng, nhiều hơn là cách hiểu về chất lượng thức ăn. Nếu chúng ta lựa chọn sai về dinh dưỡng và thường xuyên ăn những thức ăn không lành mạnh – là những thứ khó tiêu hóa hoặc cơ thể không hấp thụ được, hoặc cơ thể không thể đào thải ra ngoài, chúng ta chắc chắn sẽ gặp vấn đề về sức khỏe. Cơ thể của chúng ta không thể hấp thu trực tiếp thức ăn chúng ta ăn vào. Cơ thể chỉ hấp thu được các đơn chất sau khi thức ăn đã được biến đổi trong quá trình tiêu hóa và phân loại. Bắt đầu từ việc nhai nuốt, thức ăn chúng ta ăn vào được bẻ gãy cấu trúc. Các quá trình sau tiêu hóa là hâp thụ (qua ruột non) rồi sau đó tới quá trình tổng hợp và trao đổi chất diễn ra ở bên trong cơ thể. Mạch máu như một kênh vận chuyển chất dinh dưỡng, đem năng lượng và chất cần thiết tới từng tế bào. Tế bào được nuôi sống và chúng ta có năng lượng để sống. Nếu vì một lý do nào đó mà tế bào không nhận được các chất mà nó cần, tế bào sẽ bị đói, dẫn tới tình trạng cơ thể suy kiệt năng lượng, thậm chí có thể chết. Với các chất mà cơ thể không cần, cơ thể luôn cố gắng thực hiện quá trình thải độc ở bên trong và đào thải chúng qua các cách thức bài tiết khác nhau. Như vậy, hiểu theo nghĩa hẹp nhất thì chất dinh dưỡng là những đơn chất cuối cùng mà cơ thể hấp thụ được từ thức ăn sau khi trải qua quá trình tiêu hóa và tổng hợp, trao đổi chất.
- Chúng ta hấp thụ dinh dưỡng qua nhiều con đường, con đường ăn uống chỉ là một trong số đó. Cơ thể chúng ta hấp thụ năng lượng từ bên ngoài, qua việc ăn uống, hít thở, qua làn da, qua tiếp xúc với môi trường tự nhiên và thông qua việc tiếp xúc với con người, với các loài sinh vật khác. Chúng ta hấp thu dinh dưỡng hay năng lượng sống từ các nguồn:
+ ăn uống (như đã giải thích ở trên)
+ không khí (hít thở, làn da tiếp xúc với không khí)
+ nguồn nước (khi chúng ta tắm trên những dòng sông, suối, trên biển, chúng ta thường có xu hướng đi tiểu nhanh hơn. Điều này có thể được giải thích bởi một lý do là bằng cách nào đó, thông qua làn da, cơ thể chúng ta hấp thụ một lượng nước nhất định (dù chúng ta không uống nước). Hệ bài tiết luôn hoạt động và chúng ta bài tiết nước tiểu ra ngoài giống như việc chúng ta thường có cảm giác buồn tiểu tiện sau khi uống no nước)
+ mặt trời (năng lượng từ ánh nắng mặt trời. Ví dụ: những người tập Yoga luôn tập Yoga vào buổi sáng sớm khi mặt trời bắt đầu lên, tập ở những nơi quang đãng và hướng về phía ánh mặt trời. Những người phương Tây thường tắm nắng để hấp thụ được năng lượng từ ánh nắng mặt trời nhiều nhất có thể. Những người lao động hoặc người dân tộc thiểu số lao động và sinh hoạt ngoài trời dưới ánh nắng nhiều thường có sức khỏe tốt hơn, sự dẻo dai tốt hơn,…)
+ đất (chẳng hạn khi chúng ta đi chân trần trên mặt đất tự nhiên. Ví dụ dễ thấy nhất là với những người sống ở thành thị lâu, đôi khi chúng ta cởi giầy dép và đi chân trần trên mặt cỏ tự nhiên hoặc những con đường đất ở thôn quê, chúng ta đều ít nhiều cảm thấy khác lạ. Khi đã dần quen với chân trần trên đất trong không khí thiên nhiên trong lành, chúng ta đều có cảm giác dễ chịu, thoải mái)
+ tiếp xúc và giao tiếp giữa con người với con người (những cái bắt tay, những cái nắm tay, những cái ôm, những nụ hôn, những cái chạm, những tiếp xúc chứa đựng tình cảm giữa ông bà, cha mẹ với con cái, giữa bạn bè với nhau, giữa những người bạn đời, giữa những người thân quen, giữa con người với con người nói chung)
+ tiếp xúc và giao tiếp giữa con người và các sinh vật tự nhiên (những cái chạm giữa chúng ta với những con vật nuôi thân thuộc, với những loài động vật trong tự nhiên khi chúng ta chủ động giao tiếp, khi chúng ta cởi mở và không e ngại, với những cái cây, ngọn cỏ trong tự nhiên. Ví dụ quen thuộc nhất là cảm giác gần gũi, thư thái khi chúng ta làm vườn hoặc chăm sóc cây trồng trong gia đình)
Điều này hoàn toàn không có gì mâu thuẫn so với quá trình hấp thu chất dinh dưỡng bên trong cơ thể nói trên: chất dinh dưỡng không chỉ được đưa vào cơ thể qua con đường ăn uống mà còn qua những cách thức tiếp xúc vật lý với cơ thể mà chúng ta có thể cảm nhận được hoặc thậm chí không thể cảm nhận được bằng các giác quan thông thường. Vấn đề ở đây, với phần lớn con người bình thường, lượng chất dinh dưỡng chúng ta hấp thụ qua việc ăn uống là rất đáng kể. Trên thực tế, không khí hay các nguồn nước hay môi trường tự nhiên luôn có chứa Cacbon, Ôxy, Hydro và Nitơ. Đây cũng là các nguyên tố tạo thành các chất hữu cơ như đường, chất béo và protein (đạm) ở những cấu trúc khác nhau. Chỉ xét riêng về mặt vật lý, những cách thức hấp thụ dinh dưỡng được liệt kê ở trên (hít thở, không khí, nguồn nước tự nhiên, ánh mặt trời, mặt đất, tiếp xúc vật lý giữa con người và các sinh vật tự nhiên) đều ít nhiều mang đến sự tiếp xúc vật lý giữa cơ thể chúng ta và các hợp chất hữu cơ hình thành từ bốn nguyên tố Cacbon, Ôxy, Hydro, Nitơ nói trên. Cơ thể chúng ta, bằng một cách nào đó hấp thụ các hợp chất này. Khi vào bên trong cơ thể, thông qua quá trình chuyển hóa và tổng hợp, cơ thể giữ lại các chất dinh dưỡng là các đơn chất cần thiết để nuôi tế bào và cung cấp năng lượng sống cho chúng ta. Xét về mặt cảm xúc và tinh thần, tâm trạng và thái độ của chúng ta trong khi tiếp xúc với các tác nhân từ môi trường bên ngoài cơ thể cũng ảnh hưởng tới việc chúng ta hấp thụ dinh dưỡng như thế nào. Khi chúng ta vui vẻ, tiếp xúc vật lý giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên giúp chúng ta hấp thụ dinh dưỡng rất nhiều. Và ngược lại, nếu chúng ta không vui hoặc chúng ta không thực sự cởi mở, việc tiếp xúc này thường không mang lại lợi ích nhiều về dinh dưỡng (Mời quý vị tham khảo thêm bài viết “Sức khỏe là gì” trong cùng chuyên mục để hiểu thêm về tầm quan trọng của môi trường tự nhiên tới sức khỏe). Cần chú ý là cơ thể của chúng ta có thể hấp thụ cả những thứ tốt và cả những thứ độc hại từ môi trường tự nhiên. Nếu môi trường sống bị ô nhiễm (không khí ô nhiễm, các nguồn nước tự nhiên bị ô nhiễm, đất bị ô nhiễm, ô nhiễm tiếng ồn ở đô thị, ô nhiễm ánh sáng ở đô thị), chắc chắn chúng ta sẽ bị nhiễm độc. Cơ thể có thể hấp thụ rất nhiều thứ từ môi trường tự nhiên: cả những chất tốt và những chất độc hại, mà không chỉ qua con đường ăn uống.
Chúng ta có thể hiểu rõ hơn về dinh dưỡng khi nhìn vào những ví dụ trên thực tế. Các nhà tu hành chân chính sống cuộc sống rất giản tiện. Phần lớn trong số họ tiêu thụ lượng thực phẩm ít hơn so với những người bình thường. Tuy nhiên, do cuộc sống của họ gần gũi với thiên nhiên nhiều hơn: họ tiếp xúc với ánh mặt trời, với nguồn nước sạch tự nhiên, với không khí trong lành; và do lối sống lành mạnh nhờ việc tu hành đúng đắn, họ thường khỏe mạnh và ít mắc bệnh hơn những người không tu hành. Các vận động viên thể thao của những môn thể thao ngoài trời có chế độ ăn uống, ngủ nghỉ và tập luyện nghiêm ngặt và cẩn thận hơn số đông. Họ cũng tiếp xúc với thiên nhiên rất nhiều. Do đó, chúng ta thường thấy sức khỏe của họ, sự dẻo dai, nhanh nhẹn, sự thích nghi với thời tiết nóng – lạnh tốt hơn số đông. Những người dân sống ở vùng cao, những người nông dân nuôi trồng theo các phương thức tự nhiên hoặc các phương thức hữu cơ có cuộc sống gắn bó với môi trường thiên nhiên trong lành nhiều hơn, ăn uống những nguồn thực phẩm không hóa chất hoặc thuận tự nhiên, cũng thường có sức khỏe tốt hơn những người sống cuộc sống đô thị hoặc những người làm việc nhiều trong văn phòng.
Trong tiếng Pháp, động từ tương ứng với danh từ “dinh dưỡng” này là “nourrir”, có nghĩa là “nuôi dưỡng”.
Trong tiếng Việt và trong thực tế đời sống của người Việt Nam, động từ “nuôi dưỡng” thường được dùng khi chúng ta nói về việc cha mẹ sinh ra con cái, lo lắng cho con cái từng miếng ăn giấc ngủ, chăm sóc và dậy dỗ con cái từ nhỏ cho tới lúc trưởng thành. Như đã phân tích ở trên, một con người được nuôi dưỡng từ nhiều nguồn năng lượng khác nhau. Thông qua ngôn ngữ, chúng ta có thể thấy rằng, dù ở ngôn ngữ nào, dù ở nền văn hóa nào, động từ “nuôi dưỡng” này luôn bao hàm hai phạm trù: nuôi dưỡng về mặt thể chất và nuôi dưỡng về mặt tinh thần. Đây cũng là hai khía cạnh quan trọng cần được chú ý khi chúng ta nói về sức khỏe.
Các nhà nghiên cứu về y học, về sức khỏe đều đã thừa nhận rằng: dinh dưỡng chính là chìa khóa để giải đáp các vấn đề về sức khỏe cũng như bệnh tật.
*** Chú thích của tác giả:
Từ những phân tích ở trên, Stéphanie cho rằng chúng ta cần thực sự tỉnh táo trước quan điểm khá phổ biến của người Việt Nam trong cuộc sống hiện đại ngày nay về một bữa ăn “cân bằng dinh dưỡng” bao gồm: cơm (tinh bột), rau (chất xơ, vitamin), thịt (canxi, protein/đạm). Đây là một quan điểm sai lầm rất đáng tiếc, bởi chính quan điểm này dẫn dắt chúng ta đi sai đường trên con đường tìm kiếm sức khỏe.
Những bữa ăn hằng ngày trong gia đình, bên cạnh những người thân, những cuộc gặp gỡ với bạn bè trong không khí đầm ấm và vui vẻ rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu chúng ta không hiểu thấu đáo về dinh dưỡng, về cả hai khía cạnh thể chất và tinh thần của dinh dưỡng, khái niệm “cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng” … chúng ta sẽ đánh mất những cơ hội quý giá để vừa tận hưởng không khí vui vẻ, vừa hấp thụ dinh dưỡng từ những nguồn năng lượng tốt cho chính bản thân chúng ta.
Stéphanie mời quý vị bạn đọc theo dõi các bài viết tiếp theo trong cùng chuyên mục để hiểu rõ hơn về vấn đề dinh dưỡng và cách thực hành ăn uống, rèn luyện sức khỏe trong đời sống hằng ngày. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết hơn về những chất dinh dưỡng cụ thể, những thứ mà cơ thể cần hoặc cần ở mức độ nào như: vitamin, chất khoáng, can-xi, đạm (protein), chất xơ, đường, vân vân để hiểu rõ hơn và có một chế độ ăn uống cùng lối sống phù hợp.