Ngoài chế độ ăn uống và ngủ nghỉ lành mạnh, vận động có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và ngăn ngừa bênh tật.
Tầm quan trọng của vận động với sức khỏe dưới góc nhìn dinh dưỡng và thải độc
Nguyên nhân của bệnh tật dưới quan điểm dinh dưỡng và thải độc được giải thích là do hoạt động thải độc, bài tiết yếu kém hoặc không hiệu quả. Chế độ ăn uống, môi trường sống và lối sống khiến cho cơ thể dễ dàng sinh bệnh tật. Có nhiều người do hiểu lầm về dinh dưỡng nên các bữa ăn vốn được cho là “đầy đủ, cân bằng dinh dưỡng” bao gồm cơm, rau, thịt của người Việt Nam nhìn chung thường chứa thừa những thứ cơ thể không cần, nhưng lại ăn thiếu cái mà cơ thể cần, dẫn tới một thực tế là cơ thể không có đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Các tế bào trong cơ thể không nhận được chất dinh dưỡng mà nó có thể hấp thụ, dẫn tới thiếu hụt dinh dưỡng. Chế độ ăn nhiều bữa trong ngày (ví dụ 3 bữa/ngày của người Việt Nam từ cuối thế kỉ 20 cho tới nay) khiến cho cơ thể tiêu tốn quá nhiều năng lượng dành cho tiêu hóa. Do đó, năng lượng mà cơ thể dành cho hoạt động bài tiết/ thải độc kém đi. Lối sống trì trệ, ít thể dục thể thao, ít vận động khiến cho cơ bắp, các cơ quan trong cơ thể, hệ thống mạch máu trong cơ thể không được vận động, trở nên trì trệ, khiến quá trình trao đổi chất, đặc biệt là hoạt động bài tiết/đào thải chất thải ra bên ngoài kém đi cũng là một nguyên nhận quan trọng góp phần vào quá trình hình thành bệnh tật. Việc vận động thể chất như thể dục thể thao giúp các cơ bắp và các cơ quan, các tuyến, hệ tuần hoàn trong cơ thể được vận động theo. Quá trình vận động sẽ giúp cho việc trao đổi chất, nhất là bài tiết thải độc được thực hiện tốt hơn.
Ngoài chế độ ăn uống và ngủ nghỉ lành mạnh, vận động có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và ngăn ngừa bênh tật. Cơ thể chúng ta khỏe mạnh còn nhờ vào quá trình hít thở và quá trình bài tiết/ thải độc Cơ thể rất cần ôxy. Trong hoạt động hằng ngày, nếu chúng ta không vận động, lượng ôxy chúng ta chỉ ở mức bình thường duy trì sự sống. Khi chúng ta vận động thể chất ở cường độ mạnh hơn so với các vận động tay chân như đi lại, làm việc thông thường (tập thể đục, chơi thể thao, chạy bộ, vân vân), cơ thể sẽ tiếp nhận một lượng ôxy lớn hơn và ôxy được đưa vào sâu hơn tới các tế bào trong cơ thể. Vận động thể chất cũng giúp cho cơ thể giảm bớt căng thẳng và stress, tạo cảm giác vui vẻ.
Lối sống trì trệ và không lành mạnh trong thời gian dài góp phần đáng kể vào việc hình thành bệnh tật
Chúng ta có thể tạm gọi những thứ mà cơ thể không cần, muốn bài tiết ra ngoài nhưng không thể bài tiết ra hết là các chất thải. Khi các chất thải này tích tụ lại trong cơ thể tới một lượng nhất định sẽ khiến cơ thể sinh bệnh. Khi cơ thể có bệnh, chúng ta thường sẽ nhìn hoặc cảm nhận được các triệu chứng của bệnh. Nhưng quá trình hình thành bệnh thông thường không phải chỉ sau một đêm hoặc một ngày. Thông thường bệnh tật là kết quả của một quá trình dài chúng ta ăn uống, ngủ nghỉ, và sống một lối sống không hợp lý. Do đó, vận động thể chất điều độ kết hợp với một chế độ ăn uống, làm việc, ngủ nghỉ một cách khoa học và lành mạnh là chìa khóa để chúng ta đạt được sức khỏe tốt và tràn đầy năng lượng.
Chạy bộ và đi bộ – đơn giản nhưng hiệu quả lớn với sức khỏe
Duy trì thường xuyên một môn thể dục thể thao là điều kiện quan trọng để rèn luyện sức khỏe. Điều này cũng giúp rèn luyện ý chí và sự kiên nhẫn – yếu tố góp phần giúp cho tinh thần của chúng ta vững vàng và mạnh mẽ hơn.
Một trong những môn thể dục thể thao được nhiều người lựa chọn, vì tính thực dụng, đó là chạy bộ. Chạy bộ là môn thể thao đơn giản, không cần đầu tốn kém ngoài một đôi giầy tốt (Có nhiều người thậm chí có thể chạy tốt chỉ với dép hoặc cả chân trần nếu họ sinh sống và tập luyện trong những điều kiện đặc biệt nhất định).
Chạy bộ khác với đi bộ không chỉ ở chuyện tốc độ. Cơ thể chúng ta vận động ở cường độ cao hơn khi chạy bộ. Còn khi chúng ta đi bộ, cơ thể chỉ vận động ở mức độ bình thường. Chúng ta cần chú ý rằng con người từ thưở sơ khai đã đi bộ thường xuyên. Đi bộ là bản năng của con người từ khi được sinh ra. Một đứa trẻ bình thường đều có thể đi bộ, thậm chí đi bộ nhiều hơn mức độ trẻ em ở thành thị đi bộ mỗi ngày hiện nay.
Ở các quốc gia phát triển, nhất là những quốc gia có tỉ lệ người dân sống thọ và khỏe mạnh, ví dụ như Nhật, việc đi bộ từ nhà ra bến tàu xe, đi bộ tới siêu thị, đi bộ những khi có thể, đi bộ những chặng 1-2 km trong ngày là chuyện bình thường trong đời sống hằng ngày. Quãng đường đi bộ mỗi ngày của họ từ 3km cho tới 10km là hoàn toàn bình thường. Các hoạt động như đi bộ leo núi, đi dạo những quãng đường dài trên 10km vào các dịp cuối tuần hoặc khi họ có thời gian rảnh rỗi rất phổ biến, không phân biệt độ tuổi. Trẻ em, thanh niên, trung niên người già đều có thói quen đi bộ.
Trong xã hội Việt Nam hiện đại, do sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, nhịp sống gấp gáp nơi đô thị, hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển khiến cho thói quen đi bộ của chúng ta hầu như không có. Chúng ta dùng xe máy kể cả khi đi chợ, đi những quãng dưới 500 mét hoặc dưới 1km. Chính thói quen này khiến chúng ta mất đi cơ hội để vận động thêm một chút mỗi ngày. Việc đi bộ thể dục, theo quan điểm cá nhân của Stéphanie, là rất tốt, nhưng chưa đủ. Đi bộ nên trở thành thói quen trong đời sống hằng ngày của chúng ta, nên trở thành một hoạt động bình thường thì sẽ tốt hơn nữa. Ngoài đi bộ, chúng ta có thể chọn một môn thể thao cường độ cao hơn như chạy bộ, bơi lội… hàng tuần sẽ giúp cho cơ thể của chúng ta khỏe khoắn hơn nữa. (ví dụ tần suất tập ít nhất 1 hoặc 2 lần mỗi tuần; mỗi lần 30 phút hoặc 1h với người trưởng thành).
Những môn thể dục thể thao như đi bộ, chạy bộ đều có tác dụng đáng kể với sức khỏe. Có rất nhiều môn thể dục thể thao mà chúng ta có thể lựa chọn để tăng cường sức khỏe tùy theo từng điều kiện và sở thích của mỗi người.