Locavore – Ăn uống theo vùng miền
Locavore, tạm dịch: Ăn Theo Đặc Trưng Địa Phương hay Ăn Theo Vùng Miền. Đây là xu hướng ăn uống và tiêu dùng thực phẩm được trồng và được chế biến tại chính địa phương mà người ăn sinh sống.
Locavore được ghép từ “local” (địa phương) và “vore” (Ăn); tạm dịch: Ăn Theo Đặc Trưng Địa Phương hay Ăn Theo Vùng Miền. Đây là xu hướng ăn uống và tiêu dùng thực phẩm được trồng và được chế biến tại chính địa phương mà người ăn sinh sống, trong vùng bán kính khoảng 250 km đổ lại.
Con số này chỉ mang tính chất tương đối. Điều cốt lõi chúng ta cần quan tâm là xu hướng locavore nhấn mạnh tới việc tiêu dùng thực phẩm thuận theo tự nhiên, ăn uống theo đặc trưng vùng miền, sử dụng các sản phẩm nông sản được nuôi trồng tại chính địa phương hoặc vùng mà người ăn sinh sống.
Ảnh minh họa: khu chợ nông sản địa phương
Cần nói thêm rằng locavore không phải là một xu hướng mới mà là một cách thức ăn uống đang quay lại. Đây là cách thức ăn uống nguyên thủy từ xa xưa của con người từ thời kì tự cung tự cấp trong giới hạn một vùng địa lý nhất định, không có hoặc có ít sự trao đổi hàng hóa và giao thương với các vùng khác. Trải qua chiều dài lịch sử, phong tục tập quán ăn uống có nhiều thay đổi. Trong thời kì toàn cầu hóa và thương mại quốc tế bùng nổ, hàng hóa thực phẩm giữa các vùng miền, các quốc gia, các khu vực, các châu lục khác nhau được buôn bán và trao đổi nhiều hơn: người dân Việt Nam có thể ăn những quả táo tây trồng ở Mỹ, Úc hoặc các nước Âu Mỹ có thể ăn những loại trái cây nhiệt đới nhập khẩu từ Nam Mỹ hoặc châu Á, vân vân. Lối ăn uống theo đặc trưng vùng miền này đang được biết đến ngày một nhiều hơn và được khuyến khích do những ưu điểm về sức khỏe, môi trường và kinh tế mà nó mang lại cho người tiêu dùng.
Về mặt sức khỏe
Việc tiêu thụ nông sản địa phương có lợi về mặt sức khỏe do chất lượng nông sản được đảm bảo tươi ngon hơn. Nông sản được nuôi trồng, được thu hoạch và tiêu thụ ngay tại địa phương vùng miền thường không phải trải qua quá trình bảo quản lâu ngày và vận chuyển đi xa. Bên cạnh quá trình nuôi trồng và các yếu tố về môi trường, quá trình bảo quản rất quan trọng, ảnh hưởng lớn tới chất lượng rau củ quả. Rau củ quả nói chung có chất lượng tốt nhất khi chúng được thu hái đúng thời điểm và được ăn ngay sau khi thu hoạch. Trải qua quá trình bảo quản, chất lượng rau củ quả ít nhiều giảm đi, tùy thuộc vào cách thức bảo quản (Quý vị xem thêm bài viết “Bảo quản rau củ quả – Chúng ta thường sai lầm ở đâu?” để hiểu rõ hơn). Có nhiều ví dụ đơn giản chứng minh cho điều này: trái cây hái từ vườn và ăn ngay luôn ngon hơn sau khi đã để qua tủ lạnh vài ngày; bắp ngô luộc ngay sau khi hái ăn luôn ngon ngọt hơn bắp ngô luộc sau đó vài ngày. Nhìn chung khi ăn tại địa phương, chất lượng nông sản được bảo đảm tươi ngon hơn do được dùng sớm hơn và không trải qua quy trình đóng gói, vận chuyển dài ngày.
Ảnh minh họa: một điểm bán nông sản địa phương theo mùa
Chúng ta thường có thói quen ăn đặc sản vùng miền mỗi khi đi du lịch. Mỗi vùng miền có những loại thực phẩm đặc trưng tùy thuộc vào khí hậu và thổ nhưỡng. Lấy ví dụ các món đặc sản 3 miền Bắc Trung Nam trong các nhà hàng chất lượng cao ở Hà Nội, chúng ta ăn có thể đã thấy ngon, nhưng chắc chắn khi ăn các món đặc sản địa phương tại chính vùng miền đó, chúng ta luôn có cảm giác ngon miệng hơn nữa. Điều này cũng được giải thích do yếu tố chất lượng nông sản như đã nói ở trên. Đồng thời các yếu tố về không gian, khí hậu và thổ nhưỡng của chính những nguyên liêụ làm nên các món ăn đó khi chúng ta ngồi ăn tại địa phương cũng góp phần khiến các món ăn có chất lượng ngon hơn hẳn.
Về mặt môi trường
Việc tiêu thụ nông sản tại chính địa phương mà người ăn sinh sống sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường do không cần tiêu tốn nhiên liệu và công sức để vận chuyển đi xa, giảm thiểu việc sử dụng các loại túi ni lông, các loại đồ nhựa trong quá trình bảo quản và vận chuyển đi xa.
Về mặt kinh tế
Do không bị ảnh hưởng bởi giá thành vận chuyển nên người tiêu dùng địa phương có thể mua được thực phẩm với giá cả phải chăng hơn. Điều này có thể thấy rõ nhất khi so sánh với việc tiêu thụ các loại nông sản trái mùa hoặc các loại nông sản nhập khẩu chất lượng cao từ các nước khác.
Tình hình thực tế
Trong thời kì kinh tế phát triển như hiện nay, nông sản được buôn bán, trao đổi vượt qua giới hạn biên giới địa lý của các quốc gia, vùng lãnh thổ, và châu lục. Chúng ta khó tránh được việc tiêu thụ các thực phẩm được nuôi trồng ở nơi khác đến. Hơn nữa, do vấn đề về khí hậu và thổ nhưỡng đặc trưng, do vấn đề ô nhiễm môi trường, do quá trình đô thị hóa, có những vùng miền không có nhiều loại nông sản phong phú, hoặc có thể nuôi trồng nhưng cho ra chất lượng kém. Việc tiêu thụ các sản phẩm từ vùng miền khác vẫn là cần thiết. Một lý do của việc tiêu thụ nông sản từ các vùng miền khác còn do nhu cầu thưởng thức văn hóa ẩm thực. Trong các trường hợp này, việc tiêu thụ nông sản theo mùa (mùa nào quả nấy) sẽ đem lại lợi ích về sức khỏe và kinh tế hơn.
Stéphanie hi vọng bài viết giúp quý độc giả có cái nhìn khách quan về xu hướng vấn đề lựa chọn thực phẩm hiện nay, tránh được việc thổi phồng chất lượng của các loại rau củ quả nhập khẩu hoặc những hiểu nhầm khi so sánh nông sản nhập khẩu và nông sản địa phương. Stéphanie cũng hi vọng sẽ giúp quý vị có thêm một chút cơ sở để thể lựa chọn thực phẩm sao cho hợp lý với điều kiện của chính gia đình mình.
Ảnh minh họa: trái cây tươi đúng độ chín, ăn ngay sau khi hái luôn đạt chất lượng tốt nhất