Thải độc, thanh lọc cơ thể là gì? (What is detoxification?)

Thải độc (hay thanh lọc cơ thể) vốn là quá trình tự nhiên diễn ra bên trong cơ thể – quyết định sống còn tới hoạt động miễn dịch, tới chính sức khỏe của chúng ta. Phần lớn bệnh tật chúng ta gặp phải đều bắt nguồn từ vấn đề thải độc này. Vậy bản chất của thải độc (detoxification) là gì?

Ăn uống để cơ thể có dinh dưỡng và năng lượng, nhưng để khỏe mạnh có sức sống cần phải thải độc (detoxification) thậm chí ngừng ăn (thải độc tăng cường)

Thải độc vốn là quá trình tự nhiên của cơ thể. Bất cứ cơ thể sống nào cũng có quá trình này. Ăn vào thì phải có thải ra – cơ thể thải ra những thứ mà cơ thể không cần, hoặc không hấp thu được. Tế bào của cơ thể chỉ hấp thụ được chất dinh dưỡng mà nó được tạo hóa “lập trình” để có thể tiếp nhận. Ngay trong quá trình trao đổi chất ở tế bào: tế bào nhận những thứ nó cần và đưa ra ngoài các chất thải của chính nó (các axit dư thừa,…).  Quá trình thải độc là quá trình tế bào đào thải các chất thải, quá trình này diễn ra ở cấp độ tế bào, máu, bạch huyết. Quá trình này đóng vai trò thiết yếu, thậm chí là sống còn quyết định một cơ thể có thực sự khỏe mạnh được hay không.

  • Cơ thể chỉ khỏe khoắn khi các cơ quan các mô các tuyến, các tế bào thực sự khỏe từ bên trong. Cả cơ thể giống như một ê-kip hoàn chỉnh của nhiều bộ phận, là một bộ máy phức hợp. Cơ thể chỉ có thể khỏe khoắn thực sự khi các thành viên trong ê-kip đều hoạt động tích cực, làm đúng chức năng của mình. Hệ miễn dịch (bao gồm hệ bạch huyết) không thể khỏe khoắn nếu bất cứ một trong các cơ quan hay các tuyến nào đó trong cơ thể gặp trục trặc.
  • Thải độc là sống còn đối với cơ thể bởi thải độc luôn cần và thực tế là luôn đi kèm với dinh dưỡng: nguồn dinh dưỡng đúng đắn sẽ cung cấp cho các tế bào đúng chất dinh dưỡng và nguồn năng lượng tích cực để cơ thể có thể sống khỏe mạnh. Nếu chúng ta gặp vấn đề về dinh dưỡng (ăn uống, hít thở, ngủ nghỉ, vân vân) thì quá trình thải độc và bài tiết sẽ có vấn đề.

Phần lớn các loại bệnh tật đều có nguyên nhân từ vấn đề thải độc này. Khi chức năng của các cơ quan lục phủ ngũ tạng suy yếu, hệ miễn dịch suy yếu cũng do vấn đề của thải độc. Ung thư hay các bệnh lý về gan thận dạ dầy là những tình trạng nặng hơn nhưng đều có chung một vấn đề là chuyện thải độc kém, hệ miễn dịch yếu kém và tế bào không có đủ dinh dưỡng và năng lượng cần thiết để nuôi sống cơ thể nữa, tế bào suy giảm hoạt động hoặc tế bào chết, cơ thể bị ảnh hưởng theo.

Những nguyên nhân như:

– ăn sai thức ăn, ăn sai cách, ăn quá thừa, ăn thức độc hại

– các tác nhân từ bên ngoài như

  • các sản phẩm bôi vào da
  • các chất hóa học độc hại trong đồ gia dụng hoặc sinh hoạt hằng ngày
  • ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, tiếng ồn quá ngưỡng, khói bụi quá ngưỡng
  • tiếp xúc nhiều với ánh sáng nhân tạo độc hại (ánh đèn kém chất lượng, màn hình các thiết bị điện tử như điện thoại, ti-vi, máy tính bảng, máy tính…)
  • tiếp xúc quá nhiều các loại sóng điện từ, sóng viễn thông…

– lối sống không lành mạnh

  • ít vận động thể chất
  • làm việc quá sức, ngủ nghỉ không hợp lý
  • tư thế ngồi làm việc, tư thế vận động sai

– đời sống tâm lý (cảm xúc) và tinh thần gặp vấn đề

– …

đều có thể là những nguyên nhân khiến cơ thể bị nhiễm độc từ bên trong.

Nhiễm độc ở đây được hiểu là khi cơ thể chứa quá nhiều những chất gây hại, những chất thải mà qua chúng ta nạp vào trong quá trình ăn uống, hít thở, hấp thụ qua da nhưng không được đào thải tích cực ra bên ngoài tức là quá trình thải độc và bài tiết của cơ thể không được thực hiện triệt để. Các chất thải độc hại còn tồn đọng lại trong cơ thể, gặp môi trường và chất xúc tác, chúng sẽ bị biến đổi thông qua các phản ứng hóa học diễn ra ngay bên trong cơ thể và gây nên đủ thứ vấn đề về bệnh tật mà chúng ta gặp đầy rẫy hằng ngày. Các chứng viêm, sổ mũi đau đầu cảm sốt cảm mạo, tiểu đường, suy gan suy thận, ung thư, ung bướu, da dẻ mụn nhọt… vân vân đều có chung một vấn đề là thải độc và bài tiết.

Thải độc và bài tiết là 2 quá trình hoàn toàn khác nhau nhưng liên quan chặt chẽ và luôn song hành nhau ở một cơ thể khỏe mạnh.

Thải độc và bài tiết là 2 quá trình khác nhau, liên quan chặt chẽ tới nhau, luôn song hành với nhau. Điều dễ hiểu nhất là

  • thải độc (detoxification) là quá trình vẫn diễn ra nhưng chúng ta ko nhìn thấy được vì nó diễn ra bên trong cơ thể
  • bài tiết (elimination) có thể thấy được khi tiểu tiện, đại tiện, trung tiện, đổ mồ hôi, khạc nhổ đờm dãi, khí CO2 thở ra ngoài

Thải độc tốt đi kèm bài tiết tốt thì cơ thể sẽ khỏe mạnh và không bệnh tật, sức đề kháng tốt, cơ thể sẽ đủ khả năng chống chọi với các tác nhân gây bệnh thông thường.

Hệ bài tiết không chỉ bài tiết ra ngoài những chất cặn bã chất thải sau quá trình tiêu hóa (chủ yếu diễn ra tại dạ dầy) và hấp thụ (chủ yếu diễn ra ở ruột non) mà nó còn bài tiết ra ngoài cơ thể cả những chất thải diễn ra trong quá trình tổng hợp và quá trình trao đổi chất ở cấp độ tế bào. Có thải độc mà không có bài tiết hoặc bài tiết kém thì cũng là sẽ gặp vấn đề. Ví dụ: viêm da mụn nhọt do thận không bài tiết được hết, làn da phải gánh thay như đúng chức năng “làn da là quả thận thứ 3”, các độc tố bên trong được đào thải qua làn da; ví dụ khi cơ thể bị táo bón phân khó được bài tiết ra bên ngoài, vân vân.

Hiểu một cách tương đối: thải độc diễn ra trước, bài tiết là bước sau. Quá trình thải độc diễn ra trước, bên trong cơ thể, sau đó mới tới lượt quá trình bài tiết của cơ thể đẩy các chất thải ra môi trường bên ngoài.

Thải độc quyết định sự sống còn của hệ miễn dịch và sức khỏe

Thải độc là quá trình diễn ra bên trong cơ thể ngay trong quá trình trao đổi chất của tế bào. Thải độc là khi các chất thải chất dư thừa trong quá trình trao đổi chất qua màng tế bào (các loại axit,…) được đưa ra ngoài thông qua hệ thống bạch huyết (lymphatic system). Hệ bạch huyết hoạt động giống như kênh thu thập và chứa chất thải của quá trình trao đổi chất, và hoạt động như một công nhân vệ sinh bên trong cơ thể, đưa rác thải ra các cửa ngõ liên kết với hệ bài tiết và hệ bài tiết sẽ thải chất thải ra ngoài, ra khỏi cơ thể.

  • Nếu bạn coi mỗi tế bào là một ngôi nhà, mỗi nhà thải ra một túi rác hằng ngày thì hệ bạch huyết giống như các công nhân vệ sinh kèm xe rác đi thu thập cái túi rác này rồi đem chúng tới các khu xử lý rác của thành phố. (Cái túi rác của mỗi “nhà” này chủng loại phong phú, tùy vào việc bạn ăn uống, nơi bạn sống và sống lối sống như thế nào)

Để phân biệt hệ bạch huyết với hệ thống máu, có thể tạm so sánh một cách tương đối như sau:

  • Hãy tưởng tượng bên trong cơ thể bạn có hệ thống đường ống nước sinh hoạt (hệ thống máu) và hệ thống ống dẫn nước thải (hệ bạch huyết). Chỗ bạn đánh răng rửa mặt hằng ngày giống như là các tế bào. Hệ thống máu (blood system) thì giống như hệ thống dẫn nước sạch/nước sinh hoạt cung cấp chất dinh dưỡng và năng lượng cho tế bào (giống như nước sinh hoạt bạn dùng). Bạn dùng nước sạch xong rồi bạn khạc nhổ bạn tắm rửa, thì chất thải của quá trình này tương tự như chất thải của quá trình trao đổi chất, được thải vào hệ thống ống nước thải rồi trôi ra hệ thống cống rãnh. “Đầu ra/Cửa ngõ ra” của hệ bạch huyết của cơ thể (hay đầu ra của hệ thống xử lý chất thải của các tế bào) là các quả thận, lá phổi, đại tràng, làn da. Nghĩa là khi bạn bài tiết (thở, ho, khạc nhổ từ phổi qua đường miệng, đi tè nước tiểu từ thận, đi ị phân từ đại tràng, đổ mồ hôi qua da) là bạn bài tiết không chỉ những chất thải sau tiêu hóa, mà bạn còn bài tiết cả những chất thải của tế bào trong quá trình trao đổi chất ra khỏi cơ thể. Nhìn ở góc độ bài tiết thì cũng có thể coi thải độc là một phần của quá trình bài tiết.
  • Không giống như hệ thống máu: được tuần hoàn luân chuyển trong cơ thể nhờ quả tim để bơm và tạo áp suất, hệ bạch huyết – cụ thể hơn là các dịch bạch huyết được vận động và luân chuyển trong cơ thể nhờ có
    ▪︎ sự thay đổi áp suất phản ánh qua hệ tuần hoàn mạch máu
    ▪︎ sự co thắt do kích thích cơ trơn
    ▪︎ sự co giãn của hệ thống cơ xương thông qua quá trình hoạt động thể chất và tập thể dục của cơ thể

    Đây là lý do quan trọng cho tầm quan trọng của việc vận động thường xuyên, thể dục thể thao thường xuyên. Khi bạn tập thể dục, đi bộ hay chơi thể thao… là chính bạn đang thúc đẩy hệ bạch huyết trong cơ thể hoạt động tích cực hơn, giúp quá trình thải độc của bạn được tốt hơn nữa. Hãy luôn nhớ: ăn uống rất quan trọng với sức khỏe nhưng ăn uống mà không vận động thể chất tích cực sẽ không bao giờ đạt được sức khỏe như mong muốn!

Hệ bạch huyết là một bộ phận mang tính sống còn của hệ miễn dịch. Tùy vào cách diễn giải, và mục đích truyền đạt thông tin cụ thể, người ta có thể xếp hệ bạch huyết song song ngang hàng với hệ miễn dịch của cơ thể hay là một phần trong tổng thể hệ miễn dịch cũng được. Chúng luôn song hành và làm việc chặt chẽ cùng với nhau. Hệ bạch huyết vừa dọn dẹp chất thải từ tế bào, vừa dọn đi các hợp chất béo hòa tan dư thừa từ đường ruột, đồng thời nó là nơi chốn mà hệ miễn dịch nương vào đó để hoạt động. Hệ bạch huyết sản sinh ra bạch cầu và các kháng thể và là nơi thực sự diễn ra cuộc chống chọi giữa các tác nhân gây bệnh và chính cơ chế tự vệ của cơ thể bạn: đây là nơi các tế bào miễn dịch chiến đấu với các mầm bệnh. Mầm bệnh ở đây là bất cứ thứ gì “lạ” mà hệ miễn dịch được mặc định sẽ tiêu diệt nếu thứ đó không nằm trong danh sách chúng bỏ qua: vi khuẩn virus và cả chính những chất thải dư thừa tồn đọng, thậm chí cả những phần của chính cơ thể bị biến đổi vì lý do nào đó cũng được hệ miễn dịch cố gắng “dọn dẹp” đi. Hệ bạch huyết giống như hệ thống cống rãnh và bể phốt nội bộ bên trong cơ thể vậy thôi, và nó đồng thời là “ngôi nhà” của hệ miễn dịch. Phần lớn mọi bệnh tật đều xuất phát từ quá trình thải độc này. Thải độc kém sẽ dẫn tới bệnh tật ở nhiều dạng, nhiều triệu chứng khác nhau.

Muốn nâng cao sức khỏe nói chung và sức khỏe miễn dịch nói riêng, trước hết phải giúp hệ bạch huyết thông thoáng và hoạt động tích cực. Thải độc là cách chăm sóc sức khỏe tốt và bền vững nhất.

Có một điều cần chú ý về thải độc: nếu hiểu thải độc là thanh lọc các chất thải trong cơ thể để đưa ra bên ngoài để cơ thể luôn vận hành các quá trình của nó được tích cực (tiêu hóa, hấp thụ, tổng hợp, bài tiết); thì việc chúng ta cần làm là thúc đẩy khơi thông các hệ thống “cống rãnh” nội bộ, “dọn dẹp” bên trong, chứ không phải là bạn lấp cống rãnh hoặc tống khứ chúng đi cho đỡ “vướng mắt”, cho khuất mắt.

  • Ví dụ dễ gặp nhất chính là tình trạng viêm amidan (tiếng Anh: tonsils). Amidan là một phần của hệ thống bạch huyết này bên cạch dịch bạch huyết, hạch bạch huyết, mạch bạch huyết, lá lách, tuyến ức, ruột thừa. Cái amidan cũng không khác gì một phần của hệ thống cống rãnh nội tại của cơ thể. Khi nó viêm vì nó bị quá tải, chất thải bị tắc nghẽn ở đâu đó gây ra viêm (các phản ứng viêm luôn diễn ra trong môi trường axit) thì điều cần làm là xử lý các tác nhân gốc gây ra chứng viêm đó, không phải là chúng ta cắt amidan đi.

Ăn uống chỉ là một phần quyết định vấn đề thải độc. Ăn uống cần kết hợp với vận động thể chất, lối sống lành mạnh, đời sống tinh thần lành mạnh và một môi trường sống lành mạnh mới có thể thải độc tốt và hướng tới một cuộc sống khỏe mạnh đầy sức sống.

Để chọn được phương thức thải độc tích cực và phù hợp nhất với chính bạn, Stéphanie gợi ý bạn chú ý theo dõi nội dung các bài viết và video trong trang web này để tham khảo thêm kiến thức cơ bản về dinh dưỡng, hiểu sâu hơn về các quá trình diễn ra bên trong cơ thể mình. Thông qua những kinh nghiệm thực hành, chúng tôi cung cấp kiến thức cơ sở của chính quá trình thực hành đó giúp bạn đọc hiểu rõ hơn và có thể tự thực hành thải độc và chăm sóc sức khỏe tại nhà.

One thought on “Thải độc, thanh lọc cơ thể là gì? (What is detoxification?)

  1. Pingback: Thải độc, thanh lọc cơ thể là gì? (What is detoxification?) – Vĩnh Huỳnh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *